Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Hoàn thiện hành lang pháp lý trong bối cảnh 4.0
VHO- Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo nhiều thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn trong quá trình thực thi pháp luật ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đặc biệt, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến một số sản phẩm, dịch vụ văn hóa có xu hướng chuyển dần sang công nghệ số, không gian mạng thách thức các quy định mang tính truyền thống..., vì thế, yêu cầu cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, nâng cao hiệu lực quản lý trên từng lĩnh vực.
Nỗ lực số hóa góp phần quan trọng trong bảo vệ di sản (trong ảnh: Phác dựng tháp Một Cột dựa trên phế tích cột đá Chùa Dạm) Ảnh: SEN HERITAGE
Tháo gỡ những thách thức
Đó là những vấn đề đặt ra tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ VHTTDL tổ chức gần đây.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam. Sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu 4.0, nhất là sự gia tăng của nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, sự thông minh hóa quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng sản phẩm và quá trình quản trị xã hội, hình thành các mối quan hệ xã hội mới, những tương tác mới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người lao động và người tiêu dùng, giữa người dân và chính quyền đang thách thức những quan điểm pháp lý truyền thống, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cũng nằm chung trong bối cảnh đó. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu hệ thống pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi đến tìm kiếm những định hướng, giải pháp, nguyên tắc chung mang tính đồng bộ, khả thi là thực sự cần thiết và là đòi hỏi tất yếu.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình giai đoạn 2021-2026. Mục tiêu là xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành 5 văn bản luật và 9 nghị định điều chỉnh các hoạt động của ngành.
Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cho biết, dưới tác động của 4.0, nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có xu hướng chuyển dần sang công nghệ số, nhiều trường hợp không gian mạng tạo nên thách thức các quy định mang tính truyền thống. Cụ thể, cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng số, Internet toàn cầu, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra xu hướng mới trong sinh hoạt cộng đồng, gia đình và xã hội với những đô thị, khu dân cư thông minh, ít nhiều khiến mai một bản sắc văn hóa cộng đồng; nhiều khu đô thị, khu dân cư trở nên máy móc, vô hồn. Thực trạng này tạo nên thách thức với quy định của pháp luật hiện hành về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, văn hóa cơ sở, công tác gia đình... Vì vậy, đòi hỏi phải nghiên cứu hiện trạng kinh tế - xã hội và nhu cầu sống, làm việc của người dân để tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho các cộng đồng sống và làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh, nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) nhìn nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội, làm nảy sinh những vấn đề mới về pháp lý. Cuộc cách mạng này tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, trong đó có lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt này, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, nhanh chóng tiếp cận tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hạn chế tối đa các hệ quả tiêu cực mà cuộc cách mạng này mang lại.
Nghệ thuật biểu diễn thời công nghệ 4.0 (ảnh minh họa)
Đổi mới từ nhận thức tới hành động
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hành lang pháp luật luôn được lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm. Trải qua thời gian và những biến đổi xã hội, hành lang pháp lý cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã dần được hoàn thiện, ngày càng tiệm cận và phù hợp hơn với đời sống thực tiễn. Tuy nhiên, theo ông Trần Hướng Dương, nhìn thẳng vào thực tế sẽ thấy việc ứng dụng những thành tựu cuộc cách mạng 4.0 vào quản lý nghệ thuật biểu diễn còn nhiều hạn chế. Trong khi ứng dụng công nghệ còn có thể giải quyết nhiều khó khăn như vấn đề thương mại điện tử, quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật...
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho rằng, sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất của sân khấu biểu diễn nghệ thuật khiến việc ứng dụng công nghệ vẫn là khoảng trống mà các đơn vị nghệ thuật đang phải đối diện. Điều cấp thiết đặt ra là các chương trình nghệ thuật biểu diễn phải tìm thấy nhiều phương thức khác nhau để tiếp cận, phục vụ công chúng một cách nhanh chóng, phù hợp và hấp dẫn nhất. Chúng sẽ phải áp dụng các công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sáng tạo. Muốn vậy, những người làm nghệ thuật phải đổi mới từ tư duy, nhận thức dẫn đến hành động. “Từ giai đoạn dịch bệnh, chúng ta đã thấy sự phát triển của mô hình nhà hát online, các buổi hòa nhạc tại gia (home concert), những giọng ca tài năng không qua đào tạo. Theo tôi, pháp luật cần phải song hành với đời sống để nâng cao chất lượng quản lý các hình thái biểu diễn mới để nghệ thuật nảy nở và phát triển,” ông nói.
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, trong xu hướng toàn cầu hóa, công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã, đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại. Một số nghệ sĩ trẻ mới vào nghề, với khả năng tiếp thu công nghệ nhanh chóng, có thể rơi vào trình trạng quá lạm dụng phần mềm, công nghệ, làm mất đi giá trị chân - thiện - mỹ, tức là làm mất đi bản sắc và giá trị truyền thống trong tác phẩm nghệ thuật. Ông Hồng nêu, không ít chương trình áp dụng công nghệ quá nôn nóng và vội vã đã biến sân khấu thành “nồi lẩu” thập cẩm. Những nỗ lực hướng đến không chỉ là cạnh tranh thị trường mà còn phải giữ gìn bản sắc...
Bởi vậy, việc đánh giá thực trạng hoạt động văn hóa lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng như thực trạng quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực sẽ giúp đưa ra các giải pháp để định hướng phát triển đúng hướng, giảm thiểu những tác động tiêu cực, tiếp cận nhanh công nghệ tiên tiến và bắt kịp sự phát triển của các lĩnh vực nghệ thuật của khu vực và trên thế giới. Đây cũng là những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL.
Tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 2.2022, các địa phương đã tổ chức, kiểm tra 4.622 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 43 lượt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường. Qua đó, đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính đối với 556 cơ sở kinh doanh karaoke, 1 doanh nghiệp kinh doanh vũ trường vi phạm. Lực lượng kiểm tra đã có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý tại chỗ đối với các biểu hiện vi phạm hoạt động kinh doanh các dịch vụ này. Nhìn chung, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, đa số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã có ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, góp phần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động karaoke, vũ trường, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người kinh doanh và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. PHƯƠNG MAI |
MINH NGỌC